Trong thế giới hiện đại, nơi mọi thứ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và thay đổi theo từng ngày, đâu đó chúng ta thường nghe đến những tư duy tích cực kiểu như: “nhanh hơn”, “bứt phá”, “chiếm lĩnh thị trường”,… Những câu khẩu hiệu đó tạo nên một tâm lý vội vã, khiến nhiều Traders tin rằng tốc độ là chìa khóa duy nhất dẫn tới thành công.

Nhưng trong thị trường tài chính đầy những biến động, liệu rằng những câu khẩu hiệu tích cực như thế có còn đúng?

Liệu sống chậm một chút có giúp một Trader tồn tại lâu hơn với thị trường hay sẽ bỏ lỡ đi những cơ hội quý giá?

Có lẽ câu trả lời sẽ nằm ở trong lòng mỗi người.

Tuy vậy, trong phạm trù của bài viết này, chúng ta sẽ không nói về việc sống chậm chạp hay thụ động. Chúng ta sẽ nói về cách “sống chậm” chủ động để giúp cá nhân một Trader có thể giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa lợi nhuận và để có thể đi xa hơn trong cái nghề khốc liệt này.

Càng muốn nhanh lại càng chậm hơn

Có một sự thật mà rất nhiều Traders đã từng trải qua và tự chiêm nghiệm được rằng: thua lỗ nhỏ đến từ việc dự đoán sai thị trường, còn thua lỗ lớn lại đến từ chính sự vội vã của bản thân.

Thị trường luôn chuyển động, biểu đồ giá thay đổi theo từng giây và những tin tức liên tục xuất hiện. Thị trường, nơi mà mọi thứ diễn ra với tốc độ chóng mặt, với những cơ hội tiềm năng xuất hiện liên tục, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), giao dịch quá mức (Overtrade) và những quyết định theo cảm xúc sẽ nhanh chóng bào mòn tài khoản của bạn.

Điều trớ trêu là chính những ai đang cố gắng giao dịch nhanh hơn, nhiều hơn, mong muốn kiếm lãi hàng ngày từ thị trường lại thường là những kẻ ra đi sớm nhất.

Khi nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội dẫn đường cho những quyết định sai lầm

Có khi nào bạn mở biểu đồ ra, thấy ra tăng vọt lên, một xu hướng tăng mới được hình thành. Tiếp đó, cảm giác háo hức xen lẫn những lo lắng bỏ lỡ cơ hội này ngập tràn trong đầu bạn.

Bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội này, bạn vội vã vào lệnh ngay lập tức. Và rồi, vị trí bạn mở lệnh lại là đỉnh mới của thị trường.

Bạn đã mua ngay đỉnh hoặc bán ngay ở đáy, một sai lầm không xa lạ với những ai bị cuốn vào vòng xoáy của nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội.

FOMO như chính cách chúng ta đặt tên cho nó, là một dạng tâm lý nguy hiểm khiến cho Trader đánh mất đi kiểm soát và sự kỷ luật vốn có. Đặc biệt, đây là dạng cảm xúc phổ biến của những Traders mới vào nghề, khi mà kinh nghiệm giao dịch là thứ mà họ đang thiếu.

Khi bạn giao dịch vì cảm giác chứ không phải giao dịch theo kế hoạch

Nếu như FOMO là cách dễ dàng để dẫn tới sai lầm đu đỉnh thì Overtrade là con đường bào mòn tài khoản của bạn nhanh nhất có thể.

Nó không đến từ một lệnh thua, nó không đến từ một biến động bất ngờ của thị trường, nó đến từ chính nội lực yếu kém của một Trader không thể kiểm soát chính mình.

Khi mở biểu đồ lên, một Trader nội lực yếu thấy thị trường đang dao động mạnh, huyết áp sẽ tăng, adrenaline trào dâng. Anh ta sẽ tin rằng cơ hội đang ở khắp nơi, và rằng chỉ cần click chuột là tiền sẽ chảy về túi anh ta.

Lệnh này vừa đóng, lệnh khác đã mở ngay. Gồng lệnh, DCA âm,… và vô vàn những hành động thiếu kiềm chế khác.

Không còn chờ đợi, không còn phân tích, không còn kế hoạch giao dịch, chỉ còn lại một khao khát mơ hồ rằng càng giao dịch nhiều sẽ càng kiếm được nhiều.

Vậy nếu thua lỗ hệ quả sẽ ra sao?

Anh ta sẽ như một con bạc, sẽ lao ngay vào thị trường để gỡ lại ngay lập tức.

Và tài khoản cứ thế bị bào mòn, không phải bởi sự ngắc nghiệt của thị trường mà bởi sự khắc nghiệt chính anh ta tự tạo ra cho mình.

Trading không giống với tất cả các công việc truyền thống khác.

Đối với một công việc truyền thống, bạn càng làm nhiều thì thu nhập của bạn lại càng được cải thiện. Đối với Trading, làm nhiều không có nghĩa là kiếm được nhiều hơn.

Trong bài viết Con đường thành công của một nhà giao dịch là một cuộc hành trình, không phải đích đến trước đây, tôi có nói về một người bạn học Đạo của Lão Tử (Đạo Đức Kinh) và đam mê hệ tư tưởng về thị trường của cụ Goichi Hosoda, đam mê Ichimoku. Người bạn này giao dịch Chứng khoán Việt Nam và đang cố gắng để ngày một giao dịch ít lại.

Cố gắng để một năm đôi khi chỉ có vài lệnh.

Với góc nhìn cá nhân của mình, tôi tin rằng con người đó sẽ thành công lớn sau này. Không chỉ trong Trading đâu, mà cả trong cuộc sống đời thường của họ.

Bởi vì không phải ai cũng có đủ Dũng – Nhẫn – Tĩnh để có thể thực hiện được việc đó, nhất là khi đối mặt với cơ hội hàng ngày trên thị trường Chứng khoán.

Những Traders thành công là người luôn biết cách chờ đợi, họ tiết chế giao dịch đến mức tối đa. Họ biết rằng một giao dịch chất lượng quan trọng hơn cả trăm giao dịch quá đà.

Trading không phải là một trò chơi tốc độ, nó là bài kiểm tra về sự kiên nhẫn.

Nhiều người thường liên tưởng Trader với một tay súng bắn tỉa bởi có nhiều điểm chung giữa công việc của họ.

Một tay súng bắn tỉa không bóp cò chỉ vì mục tiêu xuất hiện. Họ chờ đợi, họ kiểm soát hơi thở của mình, họ đợi đến khi khoảnh khắc hoàn hảo nhất xuất hiện và khi đó mục tiêu không có bất kỳ cơ hội nào để chạy thoát.

Trader cũng nên như vậy.

Một cú trade đúng thời điểm có giá trị hơn hàng trăm cú trade vội vã. Và những kẻ sống lâu trên thị trường là những kẻ kiên nhẫn nhất.

Khi cái tôi lớn hơn sự kỷ luật

Có một nghịch lý trong Trading như thế này: Chúng ta tin rằng mình đang làm chủ thị trường nhưng thật ra, thứ duy nhất chúng ta có thể làm chủ là bản thân mình.

Chúng ta tin rằng với những kiến thức mình có, với những kinh nghiệm đã từng kinh qua, những kỹ năng phân tích đã học được, mình có thể giao dịch và đánh bại thị trường.

Nhưng, phía sau những Traders có lợi nhuận bền vững nhiều năm, thứ họ đánh bại không phải thị trường mà là chính cái tôi của họ.

Họ không cố chứng minh mình đúng, họ chỉ tập trung làm đúng theo kế hoạch. Họ không giao dịch để thể hiện bản thân mà để bảo vệ vốn và duy trì lợi thế với thị trường để có lợi nhuận lâu dài.

Họ hiểu rằng thị trường không có đúng có sai, chỉ có chính bản thân họ cần phải thích nghi với thị trường.

Nhưng đối với những Traders thiếu kỷ luật, cái tôi lại là rào cản lớn nhất.

Họ luôn không thừa nhận rằng mình sai. Đôi lúc họ quên mất mất một điều quan trọng: “Đừng giữ cái tôi với thị trường”.

Thích nghi với thị trường quan trọng hơn việc chứng minh là mình đúng.

Cái tôi khiến cho họ trở nên mù quáng, bỏ qua những tín hiệu rõ ràng của thị trường. Cái tôi sẽ khiến họ giao dịch theo cảm xúc thay vì tuân thủ hệ thống giao dịch của họ.

Và cuối cùng, chính cái tôi đó sẽ đẩy họ ra khỏi thị trường.

Nếu bạn để cái tôi kiểm soát, thị trường sẽ lấy đi tất cả của bạn.

Chậm trong Trading

Trading là nơi đầy rẫy những cám dỗ, nơi bản ngã con người được lột tả rõ ràng nhất. Và “sống chậm” không có nghĩa là thụ động mà là chủ động kiểm soát. Đó là sự điềm tĩnh giữa những biến động, sự kiên nhẫn giữa đầy rẫy những ham muốn giao dịch và sự kỷ luật giữa những con sóng của cảm xúc.

Chậm là quan sát

Thị trường luôn cho ta những cơ hội nhưng không phải cơ hội nào cũng tốt.

Một Trader vội vã sẽ luôn cảm thấy mình phải làm gì đó, phải vào lệnh, phải click chuột, phải kiếm tiền bằng mọi giá và ngay lúc này.

Thế nhưng, những người giỏi nhất lại hiểu rằng ngồi quan sát thị trường là một trong những bước quan trọng nhất để vươn tới sự thành công và tất nhiên là quan trọng hơn nhiều so với việc phải hành động.

Họ hiểu rằng thị trường sẽ dần hé lộ những chỉ dẫn cho họ. Họ không phản ứng một cách vội vã với từng cây nến, từng nhịp giá mà họ quan sát cách thị trường vận động, họ nhìn vào cấu trúc chung của thị trường, cách cá mập hành động.

Một tay súng bắn tỉa cừ khôi sẽ không bắn ngay khi nhìn thấy mục tiêu. Anh ta sẽ chờ đợi, quan sát hơi thở và nắm bắt khoảnh khắc hoàn hảo nhất để bóp cò.

Trader cũng vậy, biết chờ đợi đến khoảnh khắc hoàn hảo sẽ nắm được một lợi thế tốt.

Chậm là phân tích

Trading không phải nơi để cầu may, càng không phải nơi để chạy nước rút. Tốt hơn hết bạn nên lùi lại một bước để có góc nhìn tổng quan, để tìm xác nhận, để tìm ra cơ hội có xác xuất thành công cao nhất.

Nhưng để làm được vậy, bạn cần phải có một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh để biết nên chờ đợi điều gì và hành động như thế nào. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là bạn cần có một phương pháp phân tích thị trường cụ thể, một hệ thống quản lý vốn để đảm bảo an toàn cho tài khoản.

Một Trader cần phải biết chính xác mình cần chờ đợi điều gì.

Không thể có kỷ luật giao dịch và sự kiên nhẫn nếu bạn không biết chính xác những gì tạo nên hoặc không tạo nên một tín hiệu giao dịch. Và để biết chính xác được điều đó, bạn cần có một phương pháp phân tích thị trường cụ thể để biết chính xác mình cần chờ đợi điều gì.

Chậm là đúc kết

Đối với bạn, cuốn nhật ký giao dịch có ý nghĩa gì?

Trading không chỉ là một chuỗi lệnh vào ra, thắng thua. Trading là quá tình học hỏi không ngừng và những Traders tồn tại lâu nhất là những người luôn luôn tìm cách đúc kết ra những bài học từ chính những sai lầm của họ.

Mỗi lệnh giao dịch được thực hiện, dù thắng hay thua đều có gì đó để học. Một lệnh thắng có thể dạy bạn về sự kiên nhẫn, về thời điểm đúng cho hành động. Một lệnh thua có thể dạy bạn về cách kiểm soát rủi ro, về kỷ luật và về những điểm yếu nội tại của bản thân cần khắc phục.

Nhưng nếu bạn không dành thời gian để nhìn lại, để ghi chép, để hiểu vì sao mình thắng và tại sao mình thua, chắc chắn bạn rất khó để tiến bộ.

Viết nhật ký giao dịch mà mình đang thực hiện sẽ buộc bạn phải xác định, kiểm tra và phân tích thị trường một cách chi tiết nhất. Điều này rất có lợi cho bạn và cho quá trình đúc kết của bạn sau này.

Sống chậm một chút để biết đời còn yêu thương

Giữa nhịp sống hiện đại đầy vội vã, khi ai cũng mải mê chạy theo đồng tiền, mải mê chạy theo những mục tiêu xa xôi, có khi nào bạn tự hỏi: “Mình có đang thực sự sống hay chỉ đang tồn tại?”.

Chúng ta bị cuốn theo những kế hoạch chưa hoàn thành, những giấc mơ chưa kịp chạm tới, những áp lực buộc phải thành công. Chúng ta vội vàng đến mức quên mất rằng ngay trong khoảnh khắc này, cuộc sống đang diễn ra.

Nhưng, nếu bạn chậm lại một chút thôi, bạn sẽ thấy cuộc đời này đầy màu nhiệm, bạn sẽ thấy những điều mà trước giờ ta vô tình bỏ lỡ.

Khi bước đi chậm hơn, bạn sẽ nhận ra ánh nắng buổi sớm thật dịu dàng, tiếng chim hót trong vườn cũng trong trẻo hơn và nụ cười của người thân mỗi ngày vẫn luôn ở đó, chỉ là do chúng ta không để ý tới.

Khi làm việc chậm lại, bạn sẽ hiểu rằng thành công không nằm ở những con số trong tài khoản hay những danh hiệu đạt được trong đời. Đó chỉ là vật ngoài thân.

Đã bao giờ bạn thấy một doanh nhân giàu có, sở hữu vài công ty cả trong và ngoài nước. Họ luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ những người khác. Nhưng, khi ngồi lắng lại một chút thôi, có thật sự người đó đang hạnh phúc hay luôn là những lo toan, phiền muộn.

Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay cái cách mà bạn tận hưởng hành trình của chính mình. Bạn không còn bị ám ảnh bởi đích đến mà sẽ trân quý từng bước chân.

Khi yêu thương chậm lại, bạn sẽ nhận ra có những người luôn âm thầm bên cạnh bạn dù bạn có bận rộn đến đâu. Chỉ cần một cuộc gọi từ bạn, họ sẽ luôn xuất hiện. Một cái ôm, một lời động viên cũng đủ để sưởi ấm cho bạn những ngày còn gian khó.

Cuộc đời này có quá nhiều thứ đẹp đẽ, nhưng chỉ những ai biết dừng lại một chút, thở chậm hơn một chút, mở lòng hơn một chút mới có thể thực sự cảm nhận.

Bởi đôi khi, chỉ cần sống chậm lại một chút, ta mới thấy đời còn đầy ắp yêu thương.

Và đừng để Trading cuốn bạn khỏi những thứ đẹp đẽ của cuộc đời này, như tôi đã từng.

Tâm Tuệ An.

Đừng quên tham gia cộng đồng Tâm Tuệ An để nhận được những chia sẻ quý báu từ các Trader khác giúp cho việc học hỏi và giao dịch tốt hơn.

Cộng đồng Tâm Tuệ An:

Chúc bạn giao dịch hiệu quả và rút lợi nhuận đều đặn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *