Trong cuộc sống, con người thường tự chất lên mình những gánh nặng vô hình, những suy nghĩ rối ren về quá khứ, những lo âu bám víu vào tương lai, những cảm xúc hỗn độn không kiểm soát và cả những kỳ vọng chưa thành hình. Tâm trí ta giống như một chiếc cốc đã đầy, đến mức dù có thêm những điều quý giá khác, ta cũng không còn chỗ để đón nhận. Trong sự chật chội của tâm thức ấy, ta đã đánh mất đi sự rộng mở, mất đi khả năng nhìn thế giới với sự sáng tỏ và thấu suốt.
Lão Tử, trong chương 3 của Đạo Đức Kinh đã dạy về một nguyên tắc cốt lõi để đạt đến trí tuệ và tự do nội tại, đó là Hư Kỳ Tâm – làm rỗng tâm trí.
Trống rỗng ở đây không có nghĩa là mất đi mà là mở ra.
Một chiếc bình chỉ khi trống rỗng mới có thể chứa đựng những thứ tinh túy nhất. Một tâm trí chỉ khi buông bỏ những ràng buộc, những vọng tưởng không cần thiết thì mới có thể lắng nghe trọn vẹn, nhìn sâu xa và chạm đến bản chất chân thực của vạn vật.
Trong sự trống rỗng ấy, Đạo hiển lộ, bình an tự khắc tìm về.
Hư Kỳ Tâm, làm cho cái Tâm trống rỗng
Khi nói về “Hư” (虛), Lão Tử không chỉ nhắc đến sự trống rỗng đơn thuần, mà đó là trạng thái buông bỏ những vọng tưởng, những suy nghĩ dư thừa. Đây không phải là sự thụ động hay trống rỗng đơn thuần về tinh thần, đó là một trạng thái tĩnh lặng có ý thức, nơi tâm trí không còn bị gò bó bởi những quan niệm cứng nhắc hay cảm xúc không cần thiết.
Tâm con người luôn đầy ắp những lo lắng về quá khứ, về tương lai, về những gì ta không thể kiểm soát. Nhưng khi càng cố gắng kiểm soát, ta càng bị mắc kẹt trong những lối mòn của suy nghĩ. Khi hướng vào bên trong, ta mới nhận ra rằng sự tự do không nằm ở việc có thêm mà ở việc buông bỏ những dục vọng.
Khi tâm ta rỗng, vũ trụ mới có thể đổ đầy.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử dạy rằng: Khi dùng đất sét để nặn bình, chính khoảng trống bên trong tạo nên chiếc bình để chứa nước. Khi rót nước vào chén, bản thân chiếc chén cũng được hình thành từ khoảng không bao quanh bởi đất sét. Một căn phòng được xây nên bởi bốn bức tường, nhưng chính không gian trống giữa 4 bức tường ấy mới là nơi ta sinh hoạt.
Nhờ khoảng không, vạn vật mới trở nên hữu dụng.
Một người với tâm trí trống rỗng sẽ không bị những định kiến, nỗi sợ hay tham vọng làm lu mờ đi nhận thức. Họ không vội vã đánh giá sự vật, không để cảm xúc dẫn dắt hành động. Họ giống như mặt nước tĩnh lặng, phản chiếu mọi thứ một cách rõ ràng, trung thực.
Trong Trading, “Hư Kỳ Tâm” có thể hiểu là làm rỗng tâm trí để đạt đến trạng thái giúp ta nhìn thị trường bằng sự sáng tỏ, không bị vướng mắc vào lòng tham hay nỗi sợ hãi. Một Trader với Tâm trống rỗng, không đồng nhất bản thân mình với thị trường hay các vị thế hiện có, không để cảm xúc nhất thời lèo lái những quyết định. Họ không chạy theo thị trường như một kẻ mù quáng, cũng không áp đặt kỳ vọng chủ quan lên thị trường.
Họ quan sát thị trường như chính nó là, không tô vẽ, không phán xét, không để những vọng tưởng về lợi nhuận làm lu mờ thực tại. Họ hiểu rằng thị trường luôn công bằng, không phản bội hay ưu ái bất kỳ ai. Nó chỉ vận hành theo những quy luật của chính nó.
Và khi Tâm không còn bị che lấp bởi những ảo tưởng cá nhân ấy, họ không còn thấy thị thường theo cách họ muốn, mà thấy nó như những gì thực sự đang diễn ra.
Thói quen của cảm xúc, những gánh nặng vô hình cần được giải phóng
Nếu quán chiếu bản thân, ta sẽ nhận ra rằng cảm xúc cũng có những thói quen và lặp đi lặp lại. Một người hay ưu tư, lo lắng sẽ tiếp tục lo lắng dù hoàn cảnh có thay đổi hay không. Một người dễ nóng giận sẽ luôn tìm thấy lý do để xả giận. Những mô thức cảm xúc này luôn luân hồi và trở thành lối mòn tâm lý khiến chúng ta phản ứng theo cách cũ dù hoàn cảnh mới không còn giống như trước.
Nhưng tại sao ta lại giữ chặt những cảm xúc tiêu cực đó?
Bởi vì đó là thói quen của cảm xúc, tâm trí ta luôn bám chấp vào nó, ta chưa từng để tâm mình trống rỗng để nhận ra rằng những cảm xúc đó vốn dĩ không thực sự thuộc về ta. Chúng chỉ là những phản xạ có điều kiện, hình thành qua thời gian nhưng ta lại đồng nhất chúng với chính mình.
Một người có thể nói: “Tôi là một người hay lo âu”.
Nhưng nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy lo âu không phải là bản chất mà chỉ là một thói quen tâm lý hoàn toàn có thể thay đổi. Chỉ khi ta làm rỗng Tâm, ta mới có thể nhận biết rõ ràng rằng: ta không phải là nỗi lo âu, cũng không phải là những suy nghĩ chồng chất trong tâm trí.
Ta chỉ là người quan sát, là khoảng không tĩnh lặng phía sau những dao động của cảm xúc ấy.
Lo âu đến rồi đi nhưng ta vẫn ở đó, như bầu trời lặng lẽ nhìn những đám mây trôi qua. Khi không còn đồng nhất bản thân với những cảm xúc nhất thời, ta mới thực sự được tự do.
Cảm xúc giống như những đám mây trôi ngang qua bầu trời. Bầu trời không bao giờ giữ chặt những đám mây.
Hướng vào bên trong, “Tịnh” để thấu rõ
TỊNH là nền tảng của Đạo học phương Đông vượt khỏi lý trí và văn tự. Tịnh là nắm giữ luật quân bình (Đạo) để mà “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thế giới bên ngoài không ngừng biến động, dễ cuốn con người vào vòng xoáy của tham vọng và những nỗi lo lắng không tên. Ta mải miết tìm kiếm hạnh phúc trong công việc, sự nghiệp, tình yêu, danh vọng mà quên rằng sự bình yên đích thực không nằm ở những thứ đó.
Sự bình yên đích thực nằm trong “Tâm” ta, ở cách ta an trú trong mình. Một tâm trí chưa tĩnh lặng sẽ không bao giờ đủ đầy, dù có gom góp được bao nhiêu thành tựu về vật chất, danh vọng đi chăng nữa. Chỉ khi ta biết hướng vào bên trong và lắng nghe chính mình, ta mới tìm thấy sự vững vàng không gì có thể lay chuyển.
Muốn vậy, trước mỗi biến cố hay khi cảm xúc dâng trào, hãy dừng lại và quan sát hơi thở của mình.
Đừng vội phản ứng, đừng để những suy nghĩ bất chợt quyết định hành động của ta.
Hãy quan sát hơi thở, quan sát xem nỗi sợ, giận dữ hay bất an kia từ đâu mà đến. Chỉ cần dừng lại như vậy, bạn sẽ không còn để cảm xúc dẫn dắt mình.
Một cách hiệu quả khác để bạn có thể dần đạt được chữ “Tịnh”, đó là hành thiền.
Bạn hãy thiền 30 phút vào buổi sáng, 30 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Hãy để thiền trở thành khoảnh khắc trở về – trở về với chính mình, với hơi thở, với sự tĩnh lặng sâu bên trong mình. Khi ngồi xuống, không cần ép buộc tâm trí phải hoàn toàn yên tĩnh, cũng không cần cố gắng đạt đến trạng thái đặc biệt nào.
Chỉ đơn giản là ngồi quan sát hơi thở.
“Thở vào, tôi biết mình đang thở vào – thở ra, tôi biết mình đang thở ra.”
Nắm giữ hơi thở và buông xả tất cả.
Hãy để mọi thứ trôi qua mà không bám chấp vào chúng.
Như mây trên trời, như lá rơi trong gió. Đến mà không níu giữ, đi mà không tiếc nuối.
Mục tiêu của Thiền là đạt đến cảnh giới “Không”. Không ồn ào, không vọng tưởng, không màu sắc, không nóng vội,… nhằm đạt tới trạng thái trống rỗng của tâm trí.
Khi duy trì việc hành thiền đều đặn, ta sẽ dần nhận ra rằng tâm vốn đã tịnh, chỉ là bị che mở bởi những vọng tưởng phù du. Tĩnh lặng không phải là sự dập tắt cảm xúc, đó là sự quán chiếu cái Tâm của mình.
Khi vọng tâm lắng xuống, Đạo hiển lộ.
Không cần tìm kiếm, không cần vươn tới – chỉ cần buông bỏ và làm rỗng tâm trí.
Khi Tâm rỗng, vũ trụ tự nhiên dung chứa. Khi không còn gì để giữ, ta nắm trọn tất cả.
Cái Tâm trống rỗng không phải là mất đi mà là dọn dẹp không gian để đón nhận những điều thực sự ý nghĩa. Khi buông bỏ, ta sẽ nhìn thấy con đường rõ ràng hơn, sống trọn vẹn hơn và đạt đến được sự bình an thực sự.
Và cuối cùng, chân lý không nằm ở những gì ta đang cố gắng nắm giữ mà ở nhưng gì ta dám buông bỏ.
Mùng 2 Tết năm Ất Tỵ, 2025, Tâm Tuệ An chúc các bạn năm mới An lạc và Hạnh phúc.
Đừng quên tham gia cộng đồng Tâm Tuệ An để nhận được những chia sẻ quý báu từ các Trader khác giúp cho việc học hỏi và giao dịch tốt hơn.
Cộng đồng Tâm Tuệ An:
- Fanpage: https://www.facebook.com/tamtuean.tta
- Youtube: www.youtube.com/@tamtueantrading
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@tamtueantrading
Chúc bạn giao dịch hiệu quả và rút lợi nhuận đều đặn.