Trading, nơi mà mọi quyết định đều mang tính rủi ro trong đó, hoặc là thắng, hoặc thua khiến con người dễ bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực. Nhưng giữa những cơn sóng cảm xúc luân hồi đó, có một công cụ đơn giản nhưng đầy sức mạnh giúp ta nhìn rõ bản thân mình hơn, đó là Nhật ký giao dịch.

Viết nhật ký không chỉ đơn thuần là ghi chép lại các lệnh mua bán, ghi lại lợi nhuận hay thua lỗ mà là quá trình tự khám phá bản thân. Nó là một cuốn sách của riêng bạn mà trong đó, từng dòng chữ sẽ phản ánh quá trình giao dịch, lột tả bản chất nội tâm, niềm tin, nỗi sợ hãi và thói quen cảm xúc của chính ta.

Nhưng tại sao một việc tưởng chừng đơn giản, hoàn toàn miễn phí như vậy lại có thể thay đổi bản thân, thay đổi cả sự nghiệp Trading của bạn?

Làm thế nào để biến nó thành một công cụ hữu ích thay vì chỉ là một nghĩa vụ nhàm chán?

Câu trả lời nằm ở cách ta tiếp cận nó, không phải chỉ để theo dõi kết quả giao dịch mà để thấu hiểu chính mình và “hướng vào bên trong“.

Đó giống như một cuốn “Nhật ký đời ta“.

Nhật ký giao dịch, nơi ghi chép lại suy nghĩ và cảm xúc

Nhật ký giao dịch là nơi bạn tự viết lại quá trình giao dịch của mình, là tấm gương phản chiếu tâm trí của mỗi Trader. Mỗi dòng chữ là một bước chạm của suy nghĩ, một bức chân dung sống động của cảm xúc trước thị trường biến động. Nó giúp ta nhận diện những mô thức thói quen, hành động của bản thân trước thị trường. Để rồi từ đó, bạn có thể nhận thấy vòng lặp cảm xúc của mình, nhận ra những thói quen tốt cần phát huy, phát hiện ra những điểm yếu của bản thân cần khắc phục để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Đâu đó có những Trader sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để tham gia những khóa học ngàn đô, mua những EA hay chỉ báo với kỳ vọng đạt được lợi nhuận lớn. Tuy vậy, thứ hoàn toàn miễn phí nhưng mang lại kết quả tốt nhất đối với cá nhân Trader, đó là tự viết nhật ký giao dịch của mình.

Hơn cả một chỉ báo ngàn đô, nhật ký giao dịch là quá trình bạn tự khám phá chính mình, nơi bạn học cách viết lại mọi dấu chân của mình trên thị trường, nơi bạn học cách kiểm soát cảm xúc, cải thiện tư duy và từng bước tiến đến thành công nhất quán trong trading lẫn cuộc sống.

Bạn có thể cảm nhận được một số hiệu ứng tích cực trong quá trình viết nhật ký giao dịch của mình, như:

Tăng cường sự tự nhận thức

Đừng biến nhật ký giao dịch là một công việc ghi chép nhàm chán, bạn hãy biến nó thành một tấm gương phản chiếu nội tâm của chính mình, giúp ta nhìn sâu vào bên trong, đặc biệt trong những thời khắc căng thẳng và bất ổn. Khi viết lại những suy nghĩ và cảm xúc của mình, ta không chỉ lưu lại những suy nghĩ, hành động của bản thân mà còn dần nhận diện những khuôn mẫu tâm lý đang lặp đi lặp lại, những phản ứng vô thức vẫn âm thầm điều khiển quyết định của bạn.

  • Có phải ta luôn hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh sâu hơn dự kiến, vội vã cắt lệnh ngay cả khi cấu trúc thị trường chưa thay đổi?
  • Có phải ta thường tự mãn sau một chuỗi lệnh thắng, để rồi đánh mất kỷ luật và liên tcj có những quyết định bốc đồng?
  • Những cảm xúc nào chi phối mạnh nhất khi ta mắc phải sai lầm và chúng ảnh hưởng thế nào đến số dư tài khoản?

Nhận thức được những điều này là một bước quan trọng để giành lại quyền kiểm soát bản thân. Khi hiểu rõ mình, ta không còn là nạn nhân của cảm xúc; khi đó, ta trở thành người dẫn dắt chúng: bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và từng bước tiến gần hơn đến lợi nhuận nhất quán trong tương lai.

Cải thiện quá trình ra quyết định

Một quyết định sai lầm không đáng sợ bằng việc lặp lại sai lầm đó mà không hiểu lý do tại sao chúng cứ luôn lặp lại. Nhật ký giao dịch không nên chỉ là nơi ghi lại kết quả giao dịch, đó nên là nơi để ta nhìn lại từng quá trình dẫn đến một quyết định giao dịch, bóc tách nguyên nhân thắng – thua và từ đó rút ra những bài học quý giá cho bản thân.

Khi nhìn lại những gì đã viết lại, ta có thể thấy rõ liệu mình có thực sự tuân thủ chiến lược hay lại để cảm xúc chi phối bản thân. Đó là lúc ta nhận ra mình có đang giao dịch theo kế hoạch hay chỉ đang phản ứng trong vô thức với thị trường.

Nhật ký giúp ta giảm thiểu thiên lệch nhận thức (conitive bias) – những niềm tin sai lầm khiến ta dễ dàng bóp méo góc nhìn đúng về thị trường để phù hợp với cảm xúc tức thời.

  • Ta có thực sự giao dịch dựa trên những phân tích khách quan hay chỉ vì sợ bỏ lỡ cơ hội?
  • Giao dịch này có phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro của ta hay chỉ là một khoảnh khắc liều lĩnh của bản thân?
  • Khi thua lỗ, ta đã thay đổi cách tiếp cận hay chỉ lặp lại một thói quen cũ với hy vọng về một kết quả khác tốt hơn?

Mỗi quyết định giao dịch đều chỉ là một viên gạch trong cả một tòa lâu đài mà một Trader thành công xây nên. Và chúng ta đừng để tòa lâu đài của mình dở dang, không bao giờ được hoàn thiện chỉ vì một vài lệnh thua lỗ – thua lỗ bằng cả tài khoản của mình (All in).

Viết nhật ký giao dịch giúp ta loại bỏ dần những quyết định cảm tình và rèn luyện sự sắc bén trong chiến lược. Dần dần, ta không chỉ còn phản ứng với thị trường một cách thiếu nhất quán mà bắt đầu hành động với một tư duy có chủ đích: sáng suốt, kỷ luật và những quyết định mang tính hệ thống.

Công cụ giúp bình thản với thị trường

Viết nhật ký có phải là cách để giải tỏa?

Đúng vậy. Khi ta viết xuống những gì đang suy nghĩ, đang chất chứa trong lòng, ta tạo ra một khoảng lặng giữa suy nghĩ và hành động, một không gian để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn thay vì phản ứng một cách thiếu suy nghĩ.

Thị trường sẽ luôn biến động, đôi khi đầy rẫy những bất ngờ ngoài dự tính. Nhưng nếu nội tâm ta vững vàng, ta sẽ không còn dễ dàng bị cuốn theo nó.

Khi một giao dịch đi ngược lại kế hoạch, ta có một vài lựa chọn: để nỗi sợ kiểm soát hoặc dừng lại, quan sát và chấp nhận thua lỗ là một phần tất yếu của cuộc chơi này.

Viết xuống những khoảnh khắc căng thẳng giúp ta nhận diện “điểm bùng phát cảm xúc” và biết được khi nào ta dễ mất kiểm soát nhất.

  • Hoảng loạn khi thị trường đi ngược suy đoán, có phải vì ta đã rủi ro quá lớn cho vị thế này?
  • Tức giận khi bị dừng lỗ, có phải vì ta đang quá kỳ vọng vào một kết quả tươi đẹp hay một cú “home run”?
  • Ta cảm thấy cay cú và muốn gỡ gạc ngay lập tức, vào lệnh trả thù thị trường để rồi dẫn đến một chuỗi bi kịch sau đó. Có phải ta đang để cảm xúc lấn át lý trí?

Khi viết nhật ký giao dịch trở thành thói quen, ta dần học được cách tách rời bản thân khỏi cảm xúc nhất thời, ta nhìn nhận thị trường với sự điễm tĩnh thay vì lo lắng hay phấn khích quá mức. Dần dần, ta xây dựng được cho bản thân một “vị thế vững chắc” đối với thị trường, đối mặt với thị trường bằng sự chín chắn và kiên định.

Việc ghi chép thường xuyên cũng giúp ta rèn luyện khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình một cách mạch lạc, rõ ràng. Khi ta có thể viết ra suy nghĩ của mình một cách logic, ta cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chúng.

Và khi điều đó trở thành một thói quen, Trading không còn là một game đầy áp lực nữa, đó sẽ là một hành trình mà ta có thể kiểm soát được.

Một Trader giỏi không chỉ là người hiểu thị trường mà còn là người hiểu rõ chính bản thân mình.

Làm thế nào để viết nhật ký hiệu quả

Trong bài viết “thói quen của cảm xúc” ở tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu về tiến trình nền tảng giúp một cuộc đời đi đúng hướng. Và để cuốn nhật ký đời bạn thực sự mang lại giá trị, hãy biến nó thành một công cụ phản chiếu tâm trí của chính bạn.

Mỗi ngày, hãy dành một khoảng thời gian vào buổi sáng sớm để viết ra 2 điều đầu tiên – khi mà tâm trí tỉnh táo nhất để ghi nhận lại ba điều:

  1. Suy nghĩ: Tôi đang nhìn thấy gì từ thị trường, về chính mình?
  2. Nhận thức: Tôi nên làm gì ngày hôm nay, giao dịch hay không? Và nếu có thì đâu là cơ hội tiềm năng?
  3. Hành động: Ghi lại mọi hành động, cảm xúc của mình trong quá trình chờ đợi, giao dịch. Tôi cảm thấy thế nào khi chờ đợi, đặt lệnh, chốt lệnh hay khi gặp thua lỗ thì cảm xúc ra sao?

Và hãy dành một khoảng thời gian vào cuối ngày khi việc giao dịch đã kết thúc để ghi chép lại kết quả của ngày hôm đó. Việc này cực kỳ quan trọng bởi đó là lúc bạn dành ra để tự soi chiếu mình ngày hôm đó có mở giao dịch nào hay không và nếu có thì đã làm đúng chưa hoặc mình đã gặp phải những lỗi gì trong giao dịch.

Hãy xem một ví dụ thực tế:

“Hôm nay tôi đã vào lệnh vì thấy thị trường đang có động lực tăng mạnh. Nhưng khi giá điều chỉnh giảm nhẹ, tôi hoảng sợ và thoát lệnh với một khoản lợi nhuận nhỏ, rồi giá quay đầu và chạm điểm chốt lãi trong kế hoạch. Tôi nhận ra rằng mình đã không thực sự tin tưởng và kế hoạch ban đầu. Lần sau, tôi cần học cách chấp nhận sự dao động bình thường của thị trường thay vì phản ứng theo cảm tính.”

Bạn có nhận thấy mình cũng đã từng rơi vào trường hợp như vậy nhưng chưa từng ghi lại chúng?

Bởi như người ta vẫn hay nói: “Một mẩu bút chì cùn còn hơn một trí nhớ tốt”.

Dù trì nhớ của ta có tốt đến đâu, nó vẫn có thể phai nhạt theo thời gian, nhưng những gì đã được ghi lại sẽ tồn tại mãi và giúp chúng ta nhìn lại, suy ngẫm một cách đầy đủ và chi tiết.

Đừng nghĩ rằng việc viết nhật ký giao dịch chỉ là ghi chép một cách nhàm chán. Hãy coi đó là một hành trình tái khám phá bản thân để giúp ta hiểu rõ chính mình, để kiểm soát cảm xúc và bình thản trước những biến động không ngừng của thị trường.

Nếu ta kiên trì viết mỗi ngày, không chỉ kết quả giao dịch mà cả cuộc sống của ta cũng sẽ thay đổi.

Và cuối cùng, hãy luôn tự vấn bản thân: “Tôi có đang là chủ nhân của suy nghĩ và hành động của chính mình không?”.

Nếu câu trả lời là có, bạn đã đi đúng hướng.

Hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết tiếp theo của Tâm Tuệ An.

Đừng quên tham gia cộng đồng Tâm Tuệ An để nhận được những chia sẻ quý báu từ các Trader khác giúp cho việc học hỏi và giao dịch tốt hơn.

Cộng đồng Tâm Tuệ An:

Chúc bạn giao dịch hiệu quả và rút lợi nhuận đều đặn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *