Nghệ thuật của sự chấp nhận.

Trading là một thế giới đầy mê hoặc và cám dỗ, là nơi hứa hẹn về sự giàu có nhanh chóng từ những người môi giới thiếu cái tâm sáng. Chúng ta thường dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền hay những cuộc tìm kiếm không hồi kết về một “chén thánh” trong giao dịch.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng ấy, trading thực chất lại là một cuộc chiến nội tâm, một cuộc đối đầu trực diện với bản ngã con người và những ảo ảnh mà tâm trí chúng ta tự tạo ra cho mình.

Bẫy tâm lý của một Trader

Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus là một thợ săn nổi tiếng với vẻ ngoài tuấn tú đã yêu say đắm chính hình ảnh phản chiếu của mình ở dưới nước. Do đó, chàng đau khổ tự lao mình xuống sông tự tử do tình yêu chính mình không bao giờ được đáp lại. Khi ở thế giới bên kia, Narcissus vẫn không thôi ngắm mình dưới làn nước của sông mê Styx.

Trong trading, chúng ta cũng dễ dàng rơi vào cái bẫy tương tự, đó là “yêu thích” những phân tích của mình về thị trường và cố chấp bảo vệ quan điểm, kỳ vọng thị trường phải đi đúng như thế, phản ảnh mong muốn của cá nhân, thay vì chấp nhận thực tế khách quan về thị trường.

Chúng ta tự huyễn hoặc bản thân về khả năng kiểm soát thị trường, trong khi thị trường luôn vận hành theo quy luật riêng của chính nó và vượt ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ cá nhân nào.

Trading luôn có một sức hút kỳ lạ, một phần đến từ cơ chế kích thích hệ thống khen thưởng của não bộ. Mỗi giao dịch thắng lợi là một liều dopamine mang đến cảm giác hưng phấn, tự tin, thậm chí là ảo tưởng về sức mạnh. Ngược lại, mỗi giao dịch thua lỗ lại có khả năng kích hoạt hệ thống phản ứng tâm lý, khiến Trader căng thẳng, thôi thúc hành động ngay lập tức để gỡ gạc, để khôi phục cảm giác kiểm soát thị trường và xoa dịu nỗi đau của sự mất mát.

Vòng xoáy này có thể nhanh chóng biến trading thành một trò chơi gây nghiện, nơi lý trí bị cảm xúc lấn át và những quyết định giao dịch sau đó trở nên bốc đồng, thiếu kiểm soát.

Có một sự thật trong trading, đó là việc thất bại không đến từ việc thiếu kiến thức hay thiếu khả năng phân tích thị trường, mà thất bại đến từ những “lỗi lập trình” cố hữu trong tâm lý Trader.

Đó là nỗi sợ hãi thua lỗ khiến chúng ta chần chừ cắt lệnh hoặc gồng lỗ đến cháy tài khoản, là lòng tham vô độ đã biến những khoản lợi nhuận thành thua lỗ, là thói quen nghiện giao dịch khiến chúng ta dễ dàng ra vào lệnh liên tục, và là sự cố chấp bảo vệ quan điểm khiến chúng ta luôn không chấp nhận rằng mình sai.

Tất cả những điều này đều xuất phát từ bản ngã con người, từ những phản ứng tâm lý tự nhiên mà chúng ta thừa hưởng từ hàng triệu năm tiến hóa.

Vậy giải pháp nào để vượt qua những rào cản tâm lý này và đạt được lợi nhuận nhất quán trong trading?

Một phần của câu trả lời nằm ở sự “chấp nhận”. Sự chấp nhận không có nghĩa là sự buông xuôi, cam chịu trước số phận, đó là một giải pháp tâm lý sâu sắc giúp chúng ta đối diện và hòa hợp với chính con người mình, từ đó giải phóng “tiềm năng giao dịch” thực sự của chúng ta.

Sự chấp nhận là nền móng tâm lý dẫn tới sự nhất quán trong trading, giúp Trader vượt qua bản ngã cố hữu và vươn tới thành công.

Nghệ thuật của sự chấp nhận

Vậy điều thực sự nằm sau nghệ thuật của sự chấp nhận là gì?

Có lẽ đó là chìa khóa mà mọi Traders thành công đều nắm giữ trong tay để mở ra cánh cửa của một con đường thông suốt hơn nhằm đạt đến việc có được lợi nhuận nhất quán.

Nghệ thuật của sự chấp nhận mang nhiều tầng ý nghĩa, chúng ta hãy cảm nhận trọn vẹn giá trị mà nghệ thuật này mang lại cho hành trình trading của mỗi người.

1. Nỗi sợ mất mát và cái tôi vị kỷ

Một trong những rào cản tâm lý lớn nhất trong trading là nỗi sợ mất mát hay còn gọi là thua lỗ. Nỗi sợ này dường như là một cơ chế tâm lý mạnh mẽ đã ăn sâu vào bản năng sinh tồn của con người. Về mặt tiến hóa, nỗi sợ mất mát giúp tổ tiên chúng ta tránh khỏi những nguy hiểm tiền ẩn, bảo toàn nguồn lực để sinh tồn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của nghề Trader, nỗi sợ này lại trở thành một lời nguyền chi phối hành vi và có thể dẫn đến những quyết định giao dịch sai lầm.

Nỗi sợ mất mát thể hiện rõ rệt nhất khi chúng ta đối diện với những giao dịch thua lỗ. Trader thường có xu hướng giữ lệnh thua quá lâu với hy vọng giá sẽ đảo chiều và giao dịch đó sẽ không bị thua lỗ. Nhiều người sẵn sàng gồng lỗ, DCA âm bất chấp rủi ro đã vượt quá giới hạn cho phép, chỉ vì không muốn thừa nhận mình sai và chấp nhận mất tiền.

Ngược lại, khi giao dịch có lợi nhuận, nỗi sợ mất đi khoản lợi nhuận đó lại khiến Trader vội vàng cắt lệnh thắng quá sớm, bỏ lỡ những con sóng dài tiềm năng.

Đi sâu hơn vào khía cạnh tâm lý, nỗi sợ mất mát thường gắn liền với “cái tôi vị kỷ” (Ego). Thua lỗ bị xem như một đòn giáng vào lòng tự trọng của Trader, một thừa nhận về sự bất lực và kém cỏi. Cái tôi bị tổn thương thôi thúc Trader phải “gỡ gạc” ngay lập tức để chứng minh mình đúng, để bảo vệ hình ảnh bản thân.

Chính cái tôi vị kỷ này sẽ khiến Trader trở nên cố chấp, bảo thủ và không chịu thừa nhận sai lầm của mình. Kế đến, họ tiếp tục lao vào những giao dịch trả thù thị trường để cố lấy lại những gì đã mất.

Kết quả, họ sẽ mất tất cả những gì còn lại.

Nghệ thuật của sự chấp nhận trong trường hợp này là học cách đối diện với bản ngã của mình, chấp nhận rủi ro và thua lỗ là một phần tất yếu không thể tránh khỏi trong trading.

Thay vì xem thua lỗ là một thất bại cá nhân, bạn hãy thay đổi nhận thức, hãy nhìn nhận chúng như những “chi phí kinh doanh” bình thường, như những thông tin phản hồi khách quan của thị trường nhằm giúp chúng ta học hỏi và tiến bộ. Hãy gắn chặt tư duy xác xuất trong trading vào trường hợp cụ thể này.

Chấp nhận buông bỏ những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, hiểu rằng thua lỗ nằm ngoài tầm kiểm soát, vậy nên không cần phải tiếp tục chiến đấu hay cố gắng gỡ gạc lại một cách vô ích.

Quan trọng hơn, hãy đối xử với bản thân một cách “tử tế” khi thua lỗ, như cách bạn đối xử với một người bạn chí cốt đang gặp khó khăn.

2. Chấp nhận sự không chắc chắn

Thị trường tài chính vốn dĩ rất phức tạp và chịu ảnh hưởng của vô số yếu tố bất định. Từ tâm lý thị trường, những biến động kinh tế vĩ mô, chính trị, đến những tin tức bất ngờ,… tất cả đều góp phần tạo nên biến động của thị trường.

Tuy vậy, sâu thẳm trong tâm lý con người lại tồn tại một “nhu cầu kiểm soát” rất lớn. Chúng ta muốn tạo ra trật tự trong thế giới hỗn loạn, muốn đoán đúng tương lai để cảm thấy an toàn và bớt bất an trước sự vô định của cuộc sống.

Trong trading, nhu cầu kiểm soát này thể hiện qua việc Trader cố gắng đi tìm kiếm “chén thánh”, những hệ thống giao dịch “bách chiến bách thắng”, những chỉ báo có thể dự đoán chính xác mọi biến động thị trường. Họ bị ám ảnh bởi việc tìm điểm vào lệnh hoàn hảo và kỳ vọng có thể kiểm soát hoàn toàn kết quả giao dịch của mình.

Nhưng đây là một ảo tưởng bởi thị trường luôn vận động vượt ra ngoài khả năng dự đoán chính xác của bất kỳ ai.

Nghệ thuật của sự chấp nhận trong trường hợp này là “buông bỏ việc dự đoán”, chấp nhận rằng tương lai thị trường là không thể đoán trước. Thay vì cố gắng kiểm soát những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, hãy tập trung vào quản lý rủi ro và phản ứng linh hoạt với các tình huống khác nhau.

Hãy sống trong hiện tại, tập trung vào quy trình giao dịch, phân tích thị trường ở thời điểm hiện tại dựa trên những dữ liệu đã được xác nhận trên biểu đồ giá, đưa ra quyết định dựa trên xác xuất, thay vì lo lắng về tương lai không chắc chắn.

Bạn hãy quan sát dòng suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến sự không chắc chắn, tập trung vào hơi thở để neo mình vào khoảnh khắc hiện tại. Sử dụng kỹ thuật Tưởng tượng tiêu cực, hình dung về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với giao dịch này và chấp nhận nó.

Từ đó, bạn sẽ giảm bớt sự bất an và lo lắng.

3. Chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân

Chủ nghĩa hoàn hảo là một lời nguyền khác trong trading. Nhiều Traders tự đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho bản thân, kỳ vọng về những giao dịch hoàn hảo, không mắc bất kỳ sai lầm nào hay phải đạt được lợi nhuận tối đa trong mỗi giao dịch.

Chủ nghĩa hoàn hảo thường được nuôi dưỡng bởi những áp lực, những kỳ vọng từ gia đình, xã hội hoặc tiếng nói của nội tâm. Một giọng nói bên trong luôn phán xét, hạ thấp bản thân và khiến Trader mất tự tin, nghi ngờ năng lực của mình.

Trong trading, chủ nghĩa hoàn hảo biểu hiện qua việc Trader tự trách mình quá mức khi mắc lỗi, sợ hãi thất bại, trì hoãn hành động vì sợ sự không hoàn hảo và bỏ lỡ cơ hội vì chờ đợi “thời điểm hoàn hảo” không bao giờ đến.

Họ rơi vào vòng luẩn quẩn của sự lo lắng, căng thẳng và dần mất niềm tin nơi bản thân trong quá trình giao dịch.

Nghệ thuật của sự chấp nhận trong trường hợp này là “giải phóng” khỏi chủ nghĩa hoàn hảo. Chúng ta cần chấp nhận rằng Trader cũng chỉ là con người, không ai là hoàn hảo và sai lầm là một phần tất yếu của quá trình học tập và tiến bộ.

Hãy tự yêu thương và chấp nhận bản thân vô điều kiện, bất kể thành công hay thất bại. Đừng đánh đồng bản thân mình với kết quả giao dịch.

Thay vì tự chỉ trích, hãy thông cảm và đối xử tốt với bản thân. Hãy tập trung vào sự tiến bộ chứ không phải sự hoàn hảo, hãy đặt mục tiêu cải thiện liên tục và chấp nhận rằng mắc lỗi là cơ hội để học hỏi, để tự trưởng thành.

Hãy ghi lại những tiến bộ nhỏ của mình mỗi ngày vào cuốn nhật ký giao dịch, dù là kiến thức, kỹ năng hay việc kiểm soát cảm xúc tốt hơn nhằm củng cố và ghi nhận sự nỗ lực của bản thân.

4. Chấp nhận Trading là một con đường rất dài và cần thời gian

Trong xã hội hiện đại, chúng ta đang sống trong một thế giới luôn đề cao tốc độ, sự tiện lợi và những kết quả nhanh chóng. Văn hóa “ăn xổi ở thì” lan rộng khiến con người mất dần khả năng chờ đợi, kiên trì và trân trọng giá trị của quá trình.

Sự thiếu kiên nhẫn và ham muốn tức thời cũng trở thành một rào cản lớn đối với thành công nhất quán trong trading.

Đối với nhiều Traders mới vào nghề, họ luôn mong muốn làm giàu nhanh từ trading, thiếu kiên nhẫn với quá trình học tập và rèn luyện, dễ dàng bỏ cuộc khi chưa thấy được kết quả ngay lập tức. Họ nhảy từ hệ thống này sang hệ thống khác, tìm kiếm chén thánh để có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng mà không cần nỗ lực.

Tâm lý FOMO cũng thúc đẩy họ giao dịch quá mức, tham gia vào những giao dịch rủi ro cao chỉ vì sợ bị bỏ lại phía sau.

Chúng ta cần chấp nhận rằng trading là một cuộc đua marathon chứ không phải cuộc chạy đua nước rút.

Hãy xem trading là một hành trình dài cần rất nhiều thời gian, sự bền chí, tập trung vào việc xây dựng nền tảng vững chắc, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và phát triển một tư duy giao dịch đúng ngay từ ban đầu.

Chấp nhận rằng mọi thành công trong cuộc đời đều cần thời gian và sự bền chí để không bị cám dỗ bởi những kỳ vọng phi thực tế. Hãy “tận hưởng quá trình”, tìm niềm vui và ý nghĩa trong hành trình học tập, rèn luyện và cải thiện bản thân thay vì chỉ ám ảnh về kết quả cuối cùng.

Chấp nhận trading là một con đường rất dài sẽ giúp bạn rèn luyện sự kiên nhẫn với chính bản thân mình và chấp nhận việc bỏ một thời gian rất dài với trading sẽ giúp bạn tận hưởng hành trình này trong hạnh phúc.

Mở khóa thành công

Nghệ thuật của sự chấp nhận không tập hợp các kỹ năng giao dịch, đó là một quá trình chuyển hóa tâm lý sâu sắc, một hành trình khám phá và chấp nhận bản chất tâm lý của con người.

Chấp nhận rủi ro, chấp nhận thua lỗ giúp chúng ta đối diện với bản ngã của mình, vượt qua nỗi sợ mất mát và cái tôi vị kỷ.

Chấp nhận sự không chắc chắn giúp ta vượt qua ảo tưởng kiểm soát và sự bất an hiện sinh.

Chấp nhận sự không hoàn hảo giúp ta giữ vững niềm tin nơi bản thân.

Chấp nhận bỏ ra thời gian dài với trading giúp ta vượt qua sự thiếu kiên nhẫn của bản thân và những ham muốn tức thời.

Sự chấp nhận khi được thực hành một cách sâu sắc và nhất quán sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho “trí tuệ cảm xúc”. Nó giúp ta nhận biết, quản lý và sử dụng cảm xúc một cách hiệu quả trong giao dịch, đưa ra những quyết định lý trí, duy trì kỷ luật, giảm thiểu căng thẳng và tập trung vào những yếu tố thực sự quan trọng để đạt được lợi nhận nhất quán.

Vì vậy, hãy tự vấn bản thân để nhận diện những điểm mù tâm lý của mình và rèn luyện “nghệ thuật của sự chấp nhận” như một hành trình tái khám phá bản thân để trưởng thành.

Hãy nhớ rằng, con đường trở thành một Trader thành công nhất quán không phải ở việc đánh bại thị trường, đó là hành trình chiến thắng chính mình.

Tâm Tuệ An.

Đừng quên tham gia cộng đồng Tâm Tuệ An để nhận được những chia sẻ quý báu từ các Trader khác giúp cho việc học hỏi và giao dịch tốt hơn.

Cộng đồng Tâm Tuệ An:

Chúc bạn giao dịch hiệu quả và rút lợi nhuận đều đặn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *