Cụ Richard Wyckoff dạy cho chúng ta nhiều bài học về đằng sau sự vận động của thị trường, nơi mà những tay chơi lớn điều khiển cuộc chơi. Từ đó, chúng ta lần theo những dấu chân của họ để lại và đi theo họ.
Bài viết Composite Man và 4 giai đoạn vận động của giá của Tâm Tuệ An tổng hợp dựa theo những tài liệu cụ để lại để giúp chúng ta hiểu hơn về cách vận hành của thị trường.
Khái niệm về Composite Man (C/O)
Composite Man (C/O) hay còn gọi là Smart Money, là khái niệm về nhóm nhà đầu tư hoặc tổ chức có khả năng mua vào một lượng lớn cổ phiếu, sau đó đẩy giá lên và bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ với mức giá cao hơn để thu lợi nhuận.

Điều quan trọng cần hiểu là họ hoàn toàn không kiểm soát thị trường. Họ thích nghi với các điều kiện hiện có và tận dụng cơ hội khi chúng xuất hiện. Trong các thời điểm thị trường rơi vào hoảng loạn, khi giá trở nên hấp dẫn, C/O bắt đầu mua vào và bán ra thông qua hành động thao túng giá. Tuy nhiên, họ chỉ có thể thực hiện điều này khi thị trường tạo điều kiện thuận lợi, vì vậy không ai có thể kiểm soát thị trường trong mọi tình huống.
Từ quá trình quan sát giao dịch của C/O, Wyckoff nhận ra rằng:
- C/O luôn lên kế hoạch cẩn thận, thực hiện và kết thúc kế hoạch theo đúng quá trình họ đã vạch ra.
- Họ thường thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bằng cách tung tin tích cực về các cổ phiếu mà họ đã mua vào với khối lượng lớn. Điều này được thực hiện qua các lệnh mua bán lớn và qua phương tiện truyền thông.
Để nắm bắt được các hành vi và động cơ thực sự của C/O – những người đang thao túng thị trường, bạn cần nghiên cứu kỹ biểu đồ giá. Qua việc đầu tư thời gian nghiên cứu và thực hành, bạn sẽ dần hiểu được hành vi của C/O dựa trên sự vận động của giá. Nếu làm được điều này, bạn sẽ có cơ hội lớn để kiếm lợi nhuận bằng cách đi theo dấu chân của C/O.
Chu kỳ của thị trường
Chu kỳ thị trường chứng khoán luôn mang trong mình nét bí ẩn đặc trưng. Đôi khi, thị trường phản ứng dễ đoán, chẳng hạn khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và nền kinh tế ổn định, giá cổ phiếu thường tăng. Ngược lại, giá cổ phiếu thường giảm khi công ty gặp khó khăn hoặc nền kinh tế có dấu hiệu tiêu cực. Tuy nhiên, không phải lúc nào thị trường cũng tuân theo logic này. Có những thời điểm giá cổ phiếu dao động mà không hề liên quan đến tin tức hoặc tình hình kinh tế.

Thị trường chứng khoán có xu hướng đi lên (uptrend) khi nền kinh tế tăng trưởng và ngược lại, xu hướng giảm (downtrend) khi nền kinh tế trì trệ. Mặc dù chu kỳ kinh doanh và chu kỳ thị trường có liên quan mật thiết, chúng có mỗi tương quan với nhau nhưng chu kỳ thị trường chứng khoán thường diễn ra trước chu kỳ kinh tế hoặc chu kỳ tăng trưởng của doanh nghiệp từ 6 đến 9 tháng trở lên. Điều này nghĩa là khi thị trường bắt đầu chuyển sang xu hướng uptrend, nền kinh tế có thể vẫn chưa thực sự tích cực. Tức là giá cổ phiếu sau một giai đoạn giảm sâu sẽ bắt đầu ngừng giảm, thậm chí một số cổ phiếu tăng giá trở lại khi kết quả kinh doanh và kinh tế chưa thật sự khởi sắc. Thời điểm này, tâm lý chung của các nhà đầu tư thường chán nản, bao trùm bởi cảm giác bi quan và tuyệt vọng. Ở giai đoạn cuối của chu kỳ downtrend, thị trường vô cùng ảm đạm.
Chu kỳ thị trường chứng khoán bao gồm bốn giai đoạn: Tích lũy, Uptrend, Phân phối và Downtrend. Trong mỗi giai đoạn, giá cổ phiếu vận động với những đặc điểm riêng biệt. Những người theo phương pháp Wyckoff sẽ có kỹ năng phân biệt từng giai đoạn, từ đó xác định thời điểm thích hợp để tham gia hoặc đứng ngoài thị trường. Trong các phần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về từng giai đoạn vận động của giá. Nắm bắt đặc điểm của mỗi giai đoạn, hiểu hành động của C/O chính là mục tiêu mà phương pháp Wyckoff hướng tới.
4 giai đoạn vận động của giá
Bốn giai đoạn vận động của giá trong chu kỳ giao dịch bao gồm: Tích lũy, Uptrend, Phân phối và Downtrend. Mỗi giai đoạn mang những dấu hiệu đặc trưng của sự tham gia từ C/O, thể hiện trên biểu đồ giá.

Giai đoạn tích lũy thường bắt đầu khi xu hướng giảm (downtrend) kết thúc, trong khi giai đoạn phân phối lại diễn ra sau khi xu hướng tăng (uptrend) kết thúc. Chu kỳ này diễn ra liên tục, đan xen lẫn nhau. Xác định đúng điểm kết thúc và khởi đầu của mỗi giai đoạn là chìa khóa để nhận biết chính xác từng pha của chu kỳ thị trường.
- Giai đoạn Tích lũy: Đây là giai đoạn giá đi trong biên hẹp (sideway) trong phạm vi giữa mức kháng cự và hỗ trợ. Ở đây, C/O bắt đầu thu mua cổ phiếu một cách cẩn trọng, không làm giá tăng để tránh sự chú ý của nhà đầu tư.
- Giai đoạn Uptrend (Markup): Khi quá trình tích lũy hoàn tất, giá bắt đầu chuyển sang xu hướng tăng. Tại thời điểm này, công chúng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ phát hiện sự tăng giá, nhưng họ phải mua vào với giá cao hơn mức C/O đã mua. Lúc này, C/O có thể bán ra một phần cổ phiếu hoặc tiếp tục nắm giữ chờ mức giá cao hơn. Giai đoạn Uptrend này là kết quả của giai đoạn tích lũy trước đó.
- Giai đoạn Phân phối: Cuối cùng xu hướng tăng kết thúc, thị trường chuyển sang giai đoạn phân phối. Lúc này C/O bán số cổ phiếu còn lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
- Giai đoạn Downtrend (Markdown): Khi thị trường bước vào xu hướng giảm sau giai đoạn phân phối, các nhà đầu tư nhỏ lẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn và bán ra bằng mọi cách. Giai đoạn Downtrend này là kết quả của giai đoạn Phân phối trước đó.
Chu kỳ giao dịch này cung cấp một cái nhìn lý tưởng về thị trường và đặt nền móng cho cách tiếp cận giao dịch đơn giản và hiệu quả. Nó mô tả quan hệ tâm lý giữa hai nhóm chính: C/O, những người thao túng thị trường và công chúng, những người không có kiến thức và thông tin.
Chu kỳ giao dịch của Wyckoff nhấn mạnh vào tâm lý đám đông và đây được xem là công cụ hỗ trợ ngữ cảnh hơn là một kỹ thuật giao dịch độc lập.
Hy vọng các thông tin trên hữu ích với các bạn. Chúc các bạn giao dịch hiệu quả!
Đừng quên tham gia cộng đồng Tâm Tuệ An để nhận được những chia sẻ quý báu từ các Trader khác giúp cho việc học hỏi và giao dịch tốt hơn.
Cộng đồng Tâm Tuệ An:
- Fanpage: https://www.facebook.com/tamtuean.tta
- Youtube: www.youtube.com/@tamtueantrading
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@tamtueantrading
Chúc bạn giao dịch hiệu quả và rút lợi nhuận đều đặn.